Thay đổi phương pháp dạy và học tiếng Nhật ở trường trung học phổ thông Việt Nam (Phần cuối)

Trong những năm gần đây, Nhật Bản là quốc gia đầu tư rất nhiều vào Việt Nam với tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỷ USD mỗi năm. Tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 57,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Sau tiếng Anh, rất nhiều bạn trẻ đã chọn ngôn ngữ Nhật là ngôn ngữ thứ hai để học tập vì nhận thấy nhu cầu và tiềm năng rất lớn của thị trường.

Phương pháp giảng dạy kỹ năng nghe – nói tiếng Nhật:
Giáo viên áp dụng kết hợp phương pháp Shadowing trong giảng dạy kỹ năng nghe và nói cho học sinh. Sở dĩ giáo viên chọn phương pháp dạy này là do nó có khả năng luyện tập đồng thời cả hai kỹ năng nghe và nói. Phương pháp này giúp cải thiện phát âm như tiếng mẹ đẻ; cải thiện hiện tượng âm vị một cách thực tế; cải thiện các vấn đề về phát âm, thái độ, nhịp điệu, âm điệu, trọng âm, cường độ, luật gieo vần…; cải thiện các điểm khó trong kỹ năng nghe…; Lời thoại được lặp lại sẽ còn lưu giữ trong trí nhớ một thời gian ngắn (trí nhớ ngắn hạn), cho dù lời thoại đó cùng lúc biến mất đi thì học sinh vẫn nắm bắt được đầu mối ý nghĩa và có thể thúc đẩy được năng lực hiểu.

Về kỹ năng nghe, giống như luyện tập phát âm, trước tiên cho học sinh nghe (không xem giáo trình) để nắm bắt âm điệu và nói nhẩm theo trong đầu. Khác với từ vựng, mẫu câu là một cấu trúc hoàn chỉnh. Do đó, khi bắt đầu luyện tập sẽ rất khó khăn, để não bộ có thể xử lý âm thanh và hình dung được phải mất một khoảng thời gian. Ban đầu chỉ nên thực hiện nói nhẩm theo để có thể bắt kịp được tốc độ đọc. Ở bước này nên cho học sinh thực hiện ít nhất 3 lần. Quá trình này giúp kích thích thính giác, yêu cầu học sinh phải tập trung nghe để có thể nhẩm theo chính xác. Kỹ năng này giúp nâng cao khả năng nghe khá hiệu quả.

Sau đó cho học sinh xác nhận lại mẫu câu trong giáo trình và thực hiện đọc lại. Việc xác nhận lại sẽ giúp học sinh nhận thức được mẫu câu, từ đó giúp nhận dạng chính xác bản thân đã nghe thấy gì. Đồng thời kết hợp với đọc song song sẽ giúp lưu giữ mẫu câu trong trí nhớ, giúp nhớ mẫu câu một cách dễ dàng và bắt kịp tốc độ nói. Sau khi xác định đúng mẫu câu, bước quan trọng tiếp theo là Shadowing theo nhịp điệu. Kết hợp với việc đọc song song sẽ giúp học sinh điều chỉnh để mô phỏng chính xác ngữ điệu, đồng thời giúp nâng cao kỹ năng nghe và nói qua việc thực hiện đồng thời cả hai hành động nghe và nói cùng lúc.

Sau khi nắm bắt được nhịp điệu và bước đầu có thể nói khá tự nhiên, cho học sinh dịch nghĩa. Điều này giúp học sinh nắm bắt ngữ nghĩa và bối cảnh. Cuối cùng, khi đã nắm bắt được nhịp điệu và tốc độ, Shadowing theo ngữ nghĩa bối cảnh sẽ giúp học sinh hiểu rõ ý nghĩa và cách sử dụng của mẫu câu. Khi đã hoàn tất luyện tập Shadowing, giáo viên sẽ kiểm tra học sinh thực hiện Shadowing lại mẫu câu mà không cần nhìn giáo trình, rồi cho đánh giá và nhận xét.

Đối với kỹ năng nói, học sinh sẽ được luyện tập Shadowing với phần Kaiwa. Đây là một đoạn hội thoại dài với nhiều nhân vật tham gia. Do đó cách thực hiện có thể hơi khác một chút. Tuy nhiên lợi thế ở phần này chính là có video tham khảo. Đây chính là ưu điểm rất lớn. Không những giúp học sinh hình dung ngay thái độ biểu đạt mà còn có thể hiểu được bối cảnh của hội thoại. Các video này rất dễ tìm kiếm và phổ biến trên các trang mạng. Giáo viên có thể tải về cho học sinh luyện tập. Các video khá ngắn cho nên sẽ không gây căng thẳng khi luyện tập. Đặc biệt, hiện nay các video đã có thêm phụ đề cả tiếng Việt và tiếng Nhật nên có thể dễ dàng luyện tập trực tiếp ngay trên video.

Cách thực hiện Shadowing phần Kaiwa gồm các bước sau: Đầu tiên, giáo viên cho học sinh xem qua video 1-2 lần để nắm bắt mẫu câu. Không nên tạm ngừng sau mỗi câu mà hãy để video chạy liên tục để học sinh có thể nắm bắt âm thanh cũng như làm quen với tốc độ nói; Sau khi học sinh đã quen với tốc độ của video, giáo viên tiến hành cho học sinh đọc song song. Với phụ đề tiếng Nhật được thêm vào sẽ giúp học sinh có thể đọc song song và theo kịp với video; Khi đã quen với mẫu câu, cũng như đã quen với cách thực hiện qua quá trình luyện tập ở các phần trước, giáo viên sẽ tập trung cho học sinh Shadowing theo nhịp điệu, đồng thời xác nhận ý nghĩa của hội thoại. Vì là video nên học sinh có thể dễ dàng xác nhận ý nghĩa của hội thoại một cách cụ thể và rõ ràng.

Phương pháp giảng dạy trong kỹ năng viết:
Trước tiên, giáo viên phải cho học sinh tập viết một câu rồi đến một đoạn văn. Học viết chính là ban đầu học từ sau đó tập viết thành câu rồi đến đoạn. Ban đầu chỉ cần viết những câu đơn giản như “Tôi tên là…”, “Sở thích của tôi là…” … Cách này sẽ giúp học sinh làm quen với việc viết dài hơn một từ và đồng thời cũng là để củng cố kiến thức ngữ pháp.

Khi câu đã xuôi thì tiếp đến là đoạn. Có rất nhiều cách viết một đoạn văn bằng tiếng Nhật. Đơn giản nhất là giáo viên hãy luyện cho học sinh thói quen viết nhật ký để ghi lại những thứ hằng ngày, vừa không đòi hỏi nhiều từ khó, vừa để lưu lại làm kỷ niệm. Khi đã viết quen thì học sinh có thể viết được các dạng khó hơn như là viết thư, bản tin, hay kể một câu chuyện nào đó…

Giáo viên cần lưu ý cần phải luyện cho sinh viên viết song song cả Hiragana, Katakana và Kanji trong một câu. Cố gắng dùng Kanji nhiều hơn Hiragana, và áp dụng những mẫu ngữ pháp và từ vựng mới học để viết câu. Nên viết những câu đơn giản trước, và nên hạn chế viết theo kiểu “bay bổng văn thơ”. Với trình độ sơ cấp chỉ nên viết những câu đơn, câu phức cũng chỉ nên nối với nhau bằng những từ nối đơn giản. Có như thế, dần dần khả năng viết của học sinh sẽ tiến bộ một cách đáng kể.

Đối với chữ Kanji, cần lưu ý cho học sinh tuân thủ một số quy tắc sau: 1. Nét trên tới nét dưới, nét trái tới nét phải; 2. Các nét ngang viết trước, các nét dọc viết sau; 3. Các nét sổ thẳng và nét xuyên ngang được viết sau cùng; 4. Nét xiên trái (nét phẩy) viết trước các nét xiên phải (nét mác); 5. Viết phần giữa trước đối với các chữ Kanji đối xứng; 6. Phần bao quanh bên ngoài viết trước, phần bên trong viết sau; 7. Đối với phần bao quanh, viết nét sổ dọc bên trái trước; 8. Đối với phần bao quanh, nét dưới đáy được viết sau cùng; 9. Các nét chấm nhỏ sẽ được viết sau cùng.

VD: Viết nét ngang trước sổ sau: 十、下、丁、正、土 ...

Nét phết (ノ) trước, nét mác ( 乀) sau: 兄、見、文、入、父...

Viết từ trái sang phải: 人、切、外、語、機、性...

Viết từ trên xuống dưới: 二、三、合、意、高...

Viết từ ngoài vào trong: 月、向、風、周、同...

Bộ 辶và 廴được viết sau cùng: 建、迎、返、通、連...

Viết nét ở giữa trước rồi qua trái đến phải: 小、木、水、求、業

Ngoài ra, giáo viên có thể dạy cho học viên cách nhớ chữ Kanji theo bộ có cùng ý nghĩa.

VD: Bộ “nhân”, chỉ người: 人亻 儿

Bộ “hỏa”, chỉ lửa: 火 灬

Bộ “thủy”, chỉ nước: 水氵氺

Bộ “thủ”, chỉ hành động: 手 扌

Bộ “tâm”, tâm can, tấm lòng: 心 忄

Bộ “nhục”, thịt: 肉 月

Để có thể thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Trường học cần chú trọng hơn vào việc đầu tư nguồn lực tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện giảng dạy, học tập, hỗ trợ giảng dạy cho các giáo viên. Trong đó, các phòng học cần có mạng internet để phục vụ cho các buổi trao đổi, thảo luận hoặc thực hành kỹ năng đạt chất lượng, hiệu quả cao, dễ dàng hỗ trợ giáo viên trong việc tìm kiếm các ví dụ minh họa cụ thể, thiết thực trên mạng internet. Hệ thống lớp học, trang thiết bị máy móc, bàn ghế, phương tiện hỗ trợ cho công việc học tập phải đầy đủ, hiện đại tạo cảm giác thoái mái và hứng thú cho học sinh trong giờ học.

Việc bố trí, sắp xếp không gian trong lớp học cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên hiệu quả của giờ học. Nên sắp xếp bàn học theo “sơ đồ hình chữ U” với khoảng không gian trống và rộng ở giữa để giáo viên có thể trực tiếp quan sát được hết tất cả các học sinh trong lớp. Và trong khoảng không gian đó thì giáo viên cũng sẽ dễ dàng tiến hành các hoạt động giảng dạy như minh họa bài giảng bằng điệu bộ, cử chỉ hay tạo tình huống cho học sinh thực hành luyện tập.

Các dụng cụ giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ giảng dạy của giáo viên. Vì đó là công cụ hỗ trợ cần thiết cho giáo viên trong quá trình truyền đạt kiến thức. Ví dụ, khi dạy về các động từ, giáo viên sẽ sử dụng tranh ảnh có hình miêu tả động từ đó. Khi giáo viên giảng, học sinh sẽ nhìn vào tranh đồng thời nhìn vào động tác minh họa của giáo viên thì sẽ dễ hiểu hơn là đọc một loạt nghĩa của các động từ đó trong giáo trình.

Để học sinh có thể giao tiếp trôi chảy thì giáo viên nên chia học viên trong lớp thành các nhóm nhỏ từ 4 đến 5 thành viên để luyện nói theo chủ đề có sử dụng từ vựng và các mẫu ngữ pháp đã học. Nhờ đó, học sinh sẽ có cơ hội hoạt động theo nhóm, giao tiếp với bạn bè theo chủ đề có sẵn. Như thế sẽ tạo được cho học sinh sự tự tin khi giao tiếp và kỹ năng làm việc, xử lý tình huống theo nhóm một cách hiệu quả. Ngoài giờ học chính khóa, thỉnh thoảng giáo viên cũng nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như giao lưu với sinh viên người Nhật, các buổi chuyên đề tìm hiểu văn hóa Nhật Bản…để học sinh có được những trải nghiệm thực tế và từ đó có thêm động lực để học tiếng Nhật hơn.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần xây dựng phương pháp học tiếng Nhật cho học sinh. Đầu tiên, giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh chính là cách thức học tập, cách thức tiếp cận các nguồn tài liệu trên mạng, trong đó chú trọng xây dựng cho học sinh các cách thức tự học thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội vì hiện nay tỷ lệ dùng các thiết bị thông minh và internet của giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao.

Dù mỗi học sinh có phương pháp học riêng nhưng giáo viên vẫn nên gợi ý phương pháp học từ vựng, ngữ pháp và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; Luyện cho học sinh kỹ năng đoán từ trong ngữ cảnh; Xây dựng cách thức thực hành nhiều theo cặp, theo nhóm. Giáo viên phải yêu cầu học sinh trao đổi những suy nghĩ của mình về một câu hỏi hay một chủ đề theo cặp hoặc theo các nhóm nhỏ, sau đó yêu cầu đại diện nhóm chia sẻ ý kiến với thầy cô và các bạn trong lớp. Sau khi lắng nghe các câu trả lời và các suy nghĩ khác nhau, học sinh bầu chọn câu trả lời tốt nhất. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tổ chức hoạt động, trò chơi nhỏ, giúp học sinh chủ động trong việc học tập và trở thành trung tâm của lớp học. Từ đó giáo viên sẽ là người quan sát, điều phối, quản lý các hoạt động, và không khí lớp học nhờ đó sẽ luôn sinh động, hào hứng và thoải mái.

Có thể nói, với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, việc giảng dạy tiếng Nhật có nhiều điều kiện thuận lợi hơn do cơ hội giao lưu ngày càng dễ dàng. Việc giảng dạy, đào tạo những kỹ năng cơ bản không còn bị bó hẹp trong khuôn mẫu sư phạm hay trong những giáo trình khô khan mà được mở rộng qua kinh nghiệm thực tiễn lẫn thực tế sinh động từ những biến chuyển, thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế. Cơ chế tự chủ về tài chính, con người… cũng giúp cho việc đổi mới hoạt động đào tạo ngoại ngữ nói chung và việc đổi mới phương thức giảng dạy tiếng Nhật nói riêng ngày càng thuận lợi.
Ngô Thị Bích Ngọc

(Nguồn: tapchidongnama.vn)

Author: admin

Hi, tên mình là Nguyễn Công Khanh, bí danh Nguyễn Phùng, hay Phùng Nguyễn, là chủ sở hữu và admin của hệ thống website "Hợp tác kinh doanh

One thought on “Thay đổi phương pháp dạy và học tiếng Nhật ở trường trung học phổ thông Việt Nam (Phần cuối)”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *