Thay đổi phương pháp dạy và học tiếng Nhật ở trường trung học phổ thông Việt Nam (Phần đầu)

Ngoài những hình thức phổ biến như tự học, học tại các trung tâm tiếng Nhật, các trường cao đẳng và đại học thì hiện nay số lượng người Việt Nam sang Nhật dưới dạng du học sinh, thực tập sinh kỹ năng cũng đang có xu hướng tăng. Vì vậy, việc thay đổi, đổi mới phương thức dạy học cũng là một vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy có hiệu quả hơn


Năm 2018, số lượng người học tiếng Nhật tại Việt Nam lên tới gần 175.000 người. Tại Việt Nam có 818 đơn vị đào tạo tiếng Nhật, số giáo viên là 7.030. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy, đến tháng 6/2022 xấp xỉ 83.000 du học sinh (DHS) Việt Nam tại Nhật Bản. Có nhiều chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, bao gồm học bổng Ngân sách nhà nước và học bổng của phía Nhật Bản.

Ngoài lý do phát triển theo nhu cầu của xã hội, giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam đạt được nhiều thành quả cũng một phần do quyết tâm của hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản và sự nỗ lực của các nhà quản lý giáo dục cũng như các chuyên gia tiếng Nhật của hai nước. Từ năm 2003, khi tiếng Nhật chưa phát triển nóng như bây giờ, dưới sự chỉ đạo của chính phủ hai nước, Đề án giảng dạy tiếng Nhật tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Nam đã được khởi động và thực hiện suốt 10 năm. Từ một lớp thí điểm cho học sinh lớp 6 ở Trường THCS Chu Văn An – Hà Nội (sau đó thí điểm tiếp ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế), đến năm 2022, trên toàn quốc đã có 27.000 học sinh THCS và THPT học tiếng Nhật tại trường như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 (theo chương trình 7 năm).

Hiện tại, về cấu trúc giáo án dạy một bài tiếng Nhật, hầu hết các Trường học hiện nay đều sử dụng giáo trình Minna No Nihongo trong suốt quá trình giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, giáo trình không có nhiều hình ảnh sinh động đẹp mắt, chú trọng vào ngữ pháp rất nhiều và thậm chí có những bài khá nặng về mặt ngữ pháp. Nếu chỉ bám vào giáo trình để dạy thì học sinh sẽ cảm thấy giờ học nhàm chán và kém thú vị.

Thay đổi phương pháp giảng dạy tiếng Nhật
Song song với việc soạn giáo án thì việc áp dụng các phương pháp giảng dạy vào bài học cũng hết sức quan trọng. Để tăng chất lượng giờ học thì giáo viên cần có những phương pháp giảng dạy độc đáo, dễ hiểu, làm sao cho học sinh không cảm thấy nặng nề và nhàm chán mỗi khi bước vào giờ học.

Phương pháp giảng dạy từ vựng:
Đầu tiên phải luyện cho học sinh thuộc cách phát âm, sau đó bắt chước và luyện nói theo ngữ điệu. Cách phát âm chuẩn sẽ giúp học sinh ghi nhớ chính xác ý nghĩa và cách viết từ vựng một cách hiệu quả. Việc đọc và phát âm từ phải chuẩn ngay từ bước đầu tiên. Nếu phát âm sai, đọc sai thì điều đó sẽ rất khó khăn để sửa chữa. Cũng như việc chúng ta vẽ một nét bút lên trang giấy trắng, dù có sửa chữa nhưng vẫn để lại vết.

Vì vậy, cần phải rèn cho học sinh cách phát âm thật chuẩn ngay từ bước đầu. Có thể cho học sinh vừa đọc và nghe theo cách phát âm trong kim từ điển hoặc đoạn hội thoại của người bản xứ. Giáo viên cần mở âm lượng của đoạn hội thoại ở mức to, cho học sinh nghe đi nghe lại nhiều lần kết hợp với đọc to, rõ ràng các phát âm từ vựng. Đồng thời có thể hướng học sinh liên tưởng đến các hình ảnh thật trong cuộc sống, sự kết hợp của nhiều cơ quan ghi nhớ như tai, mắt, miệng để kích thích não bộ tạo ấn tượng sâu sắc với từ đó. Kho từ vựng tiếng Nhật rất đa dạng và có rất nhiều từ thuộc cùng một chủ đề, việc phân chia những nhóm từ cùng loại sẽ giúp học sinh ghi nhớ một cách hiệu quả hơn.

Việc học xong để đấy sẽ rất nhanh quên, vì vậy cần phải áp dụng ngay vào thực tế. Có thể cho học sinh sử dụng từ vựng vừa mới học để luyện nói với bạn bè và giáo viên, giúp học sinh có thể kết nối và hội thoại với bạn bè một cách nhanh nhất. Đồng thời cần luyện cho học sinh cách học “vừa học vừa dịch”. Khi nhìn thấy một từ tiếng Nhật nào đó có thể suy nghĩ hoặc tra cứu nghĩa của từ đó hoặc ngược lại, khi nhìn thấy một từ nào đó bằng tiếng Việt thì hãy liên tưởng đến tiếng Nhật. Ngoài ra, giáo viên có thể dạy từ vựng qua các hội thoại và đoạn phim ngắn.

Trong các đoạn văn hội thoại chứa rất nhiều từ các từ vựng và mẫu câu ngắn. Điều này có ích rất nhiều đối với việc rèn luyện từ vựng kết hợp với các mẫu ngữ pháp. Hơn nữa, đoạn văn còn giúp học sinh ghi nhớ chính xác ý nghĩa và cách sử dụng các từ vựng đó trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đặc biệt hơn là thông qua đoạn văn, học sinh có thể sử dụng từ vựng để giao tiếp rất nhiều câu bằng tiếng Nhật. Những đoạn phim Nhật ngắn có phụ đề tiếng Việt sẽ rèn luyện cho học sinh khả năng nghe và phát âm các từ vựng, cách sử dụng từ vựng và các mẫu câu trong giao tiếp hàng ngày của người Nhật.

Phương pháp giảng dạy ngữ pháp tiếng Nhật:
Giáo viên phát triển kĩ năng sử dụng cấu trúc ngữ pháp của học sinh thông qua hoạt động giao tiếp, trước hết là đọc và viết, gắn với những ngữ cảnh cụ thể. Có thể gợi dẫn bằng các tình huống thực tế để học sinh tự xây dựng và nhớ được cấu trúc.

Tạo cơ hội cho học sinh dùng ngôn ngữ càng nhiều càng tốt, vì tương tác xã hội, đọc và viết để chia sẻ ý tưởng sẽ giúp phát triển kĩ năng sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn là học ngữ pháp. Các kiến thức về ngữ pháp chỉ được học trong chừng mực cần thiết cho việc rèn luyện kĩ năng giao tiếp. Hướng dẫn học sinh thảo luận và nghiên cứu về cách dùng, chứ không làm các bài tập trong sách ngữ pháp.

Tương tự, hướng dẫn học sinh khám phá sức mạnh biểu đạt của các mẫu ngữ pháp khác nhau trong giao tiếp và đối chiếu hiệu quả giao tiếp khác nhau của những mẫu ngữ pháp khác nhau trong những bối cảnh khác nhau.

Việc dạy ngữ pháp tiếng Nhật chỉ có thể có kết quả vững chắc khi người học sinh nhận thấy điều mình học bổ ích và thú vị. Do đó, giáo viên cần dạy những nội dung ngữ pháp hữu ích, gắn với cái mà học sinh đang học (viết hay đọc hiểu các cấu trúc câu trong bài hội thoại hay đoạn văn…); nên khuyến khích các thử nghiệm trong khi viết, tuy làm như vậy có thể mắc lỗi, nhưng dám thử nghiệm và mắc lỗi là cần thiết cho quá trình phát triển ngôn ngữ của học sinh; đồng thời cũng khuyến khích học sinh xem xét các khả năng thay thế, tìm sự khác biệt tinh tế giữa các cấu trúc ngữ pháp…

Ngô Thị Bích Ngọc

Còn tiếp

(Nguồn: tapchidongnama.vn)

Author: admin

Hi, tên mình là Nguyễn Công Khanh, bí danh Nguyễn Phùng, hay Phùng Nguyễn, là chủ sở hữu và admin của hệ thống website "Hợp tác kinh doanh

One thought on “Thay đổi phương pháp dạy và học tiếng Nhật ở trường trung học phổ thông Việt Nam (Phần đầu)”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *